Lan tỏa từ mô hình gia đình hiếu học
Gia đình hiếu học là hạt nhân của phong trào khuyến học tại địa phương. Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình hiếu học ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, làm nền tảng bền vững, thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập phát triển.
Gia đình ông Huỳnh Gia Tùng với 5 người con tốt nghiệp đại học - Ảnh: CTV
|
Mỗi khi nhắc đến gia đình ông Phạm Chí Tưởng, xã Xuân Thọ 2, TX Sông Cầu, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ trước cặp vợ chồng nông dân giàu nghị lực này. Sống dựa vào mấy sào ruộng, rẫy, vợ chồng ông Tưởng đã nuôi 6 người con ăn học thành đạt. Ông Tưởng tâm sự: “Ngày con trai đầu Phạm Quốc Trí thi đậu cả 2 trường đại học, chúng tôi lo nhiều hơn là mừng, vì không biết chạy tiền đâu ra để cho con thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng. Cuộc sống khi đó rất khó khăn, đến miếng ăn còn vất vả, huống chi là cho các con học hành đến chốn. Nhưng vợ chồng tôi quyết không vì nghèo mà làm gián đoạn tương lai của con”.
Gia đình ông Phạm Chí Tưởng
Thương ba mẹ vất vả, nên các con của ông Tưởng luôn vượt khó học giỏi, yêu thương và đùm bọc nhau. Khi anh trai lớn ra trường, có việc làm, nuôi lại đứa em kề học đại học. Cứ thế, lần lượt 6 anh em ra trường và có việc làm ổn định. Hiện nay, con trai lớn Quốc Trí là Phó giám đốc một công ty xây dựng ở An Giang; con trai thứ hai là Quốc Dũng, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đang là Phó phòng một công ty bảo hiểm tại TP Hồ Chí Minh; con trai thứ ba Quốc Toàn tốt nghiệp Trường đại học Văn Lang đang công tác tại một ngân hàng chi nhánh TX Sông Cầu; con trai thứ tư Quốc Thắng tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đang công tác tại Đắk Lắk; con gái Minh Phú tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đang công tác tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh; con gái út tốt nghiệp Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, đang làm việc tại một công ty quảng cáo tại TP Hồ Chí Minh. Những năm tháng chịu gian khó, cực nhọc của vợ chồng ông Tưởng đã được các con đền đáp xứng đáng bằng bảng vàng thành tích học tập.
Tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, có một gia đình hiếu học khác cũng làm cho nhiều người nể phục. Đó là vợ chồng ông Huỳnh Gia Tùng, một gia đình nông dân nghèo khó nhưng có đến 5 người con thành đạt. Trong đó, có một người là thạc sĩ Toán học, 4 người còn lại đều tốt nghiệp đại học. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Gia đình hiếu học”. Còn tại xã An Cư, huyện Tuy An, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm được biết đến với thành tích có 7 người con đậu vào các trường đại học. Sau khi ra trường, họ đều đảm nhận những vai trò quan trọng trong các công ty. Ông Tâm bộc bạch: “Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó, phải bỏ học giữa chừng nên hơn ai hết, tôi biết việc học có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Vì vậy, tôi muốn đầu tư, tạo điều kiện cho các con học tập một cách tốt nhất. Từ năm 1987, tôi đã lần lượt gởi các con vào TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) để học. Nhờ có nền tảng kiến thức tốt, thái độ ham học, cộng thêm sự động viên từ ba mẹ, các con tôi đã có được kết quả mỹ mãn như hôm nay. Đây là một sự trả công xứng đáng cho sự vượt khó của vợ chồng tôi”.
Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Hữu Sen nhận xét: “Trong mỗi mái ấm gia đình, truyền thống hiếu học là một yếu tố rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hành vi, lối sống và nhân cách của từng thành viên. Thật xúc động khi có nhiều gia đình hiếu học, dù gia cảnh rất khó khăn, thu nhập bấp bênh… nhưng vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tạo điều kiện cho các con học hành thành đạt. Đây là một tín hiệu vui thúc đẩy và nhân rộng mô hình gia đình hiếu học hơn nữa. Tuy nhiên, để cuộc vận động gia đình hiếu học thực sự đi vào cuộc sống và mang tính bền vững, mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc động viên con em hiếu học, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng giàu mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.
HÀ MY
No comments:
Post a Comment